Việc hạn chế tiêu thụ điện trong giờ cao
điểm có thể giúp tiết kiệm đến 50% chi phí điện. Tuy nhiên, cần cân
nhắc hiệu quả kinh tế của giải pháp này vì có thể làm phát sinh các chi
phí khác như: Lương ngoài giờ, tiến độ sản xuất không đảm bảo…
Thay động cơ non tải, đặt tụ bù
Theo ông Phạm Huy Phong - Phó giám đốc
Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng thành phố Hồ Chí Minh, với những giải
pháp như: Nâng cao hệ số công suất, thay thế động cơ non tải bằng động
cơ có công suất nhỏ hơn cùng giải pháp quản lý phụ tải để hạn chế tiêu
thụ điện trong giờ cao điểm sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được các
chi phí về điện.
Ông Phong cho biết, giá điện được bán
theo hệ số công suất. Nếu hệ số công suất thấp thì doanh nghiệp sẽ phải
trả tiền điện vô công. Hai giải pháp cơ bản để nâng cao hệ số công
suất là thay thế động cơ non tải bằng động cơ có công suất nhỏ hơn và
đặt tụ bù. Việc thay thế động cơ có thể là giải pháp tốn kém, vì vậy
ngay từ khâu mua sắm thiết bị, doanh nghiệp cần lựa chọn động cơ phù
hợp với nhu cầu.
Giải pháp đặt tụ bù là giải pháp mang
lại hiệu quả kinh tế cao vì mức tiết kiệm lớn và thời gian hoàn vốn
nhanh. Tại Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), những
máy ly tâm trụ điện của Công ty sử dụng động cơ công suất 55 kW, qua
đo được trong quá trình kiểm toán tải đang hoạt động chỉ đạt được
20-40%. Công ty đã thực hiện giải pháp là thay động cơ mới có hiệu suất
cao, với công suất là 37 kW kết hợp với sử dụng máy biến tần điều khiển tốc độ. Kết quả là tiết kiệm được 63% điện năng tiêu thụ so với trước.
Quản lý phụ tải
Quản lý phụ tải thực chất là biện pháp
tiết kiệm chi phí điện chứ không tiết kiệm điện. Giải pháp này chỉ áp
dụng được ở các doanh nghiệp sử dụng điện theo chế độ 3 giá. Việc hạn
chế tiêu thụ điện trong giờ cao điểm có thể giúp tiết kiệm đến 50% chi
phí điện, tuy nhiên cần cân nhắc hiệu quả kinh tế của giải pháp này vì
khi tổ chức sản xuất vào giờ thấp điểm có thể làm phát sinh các chi phí
khác như lương ngoài giờ, tiến độ sản xuất không đảm bảo…